CDN là gì? Nó hoạt động như thế nào?

Trong bài viết 8 cách để tăng tốc độ website trên cunglaptrinh.com, mình có đề cập đến một cách là sử dụng CDN.

Nếu bạn đọc bài viết này rồi thì chắc hẳn bạn đang tò mò liệu CDN là gì mà giúp website của mình có thể tăng tốc đáng kể như vậy?

Và bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn cụ thể và chi tiết CDN là gì và cách nó hoạt động như thế nào.

CDN là gì?

CDN hay Content Delivery Network là một mạng lưới phân phối nội dung hoặc mạng triển khai nội dung, có thể được hiểu là một tập hợp các server trên toàn cầu đặt tại nhiều trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, làm nhiệm vụ lưu bản sao của các nội dung tĩnh bên trong website, sau đó phân tán nó ra nhiều máy chủ khác (được gọi là PoP – Points of Presence) và từ các PoP đó nó sẽ gửi tới cho người dùng khi họ truy cập vào website.

Có những lợi ích nào khi sử dụng CDN?

Về cơ bản, CDN sẽ mang lại 4 lợi ích khác nhau sau:

1. Cải thiện thời gian tải trang web – Bằng cách phân phối nội dung tiếp cận gần hơn với người dùng bằng cách sử dụng máy chủ CDN gần đó, trải nghiệm của người dùng sẽ được cải thiện hơn nhiều. Đặc biệt, tốc độ tải trang cũng được coi là một nhân tố quan trọng khi xếp hạng trang web của bạn trên công cụ tìm kiếm. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những trang web có tốc độ tải trang thường sẽ được xếp hạng tốt hơn.

cdn là gì

Dữ liệu từ Backlinko.com

2. Tiết kiệm băng thông – Băng thông từ mạng của máy chủ gốc chỉ tốn một lần xử lý đó là chấp nhận request từ các PoP CDN, sau đó các lượt truy cập từ người dùng sẽ chỉ truy cập vào nội dung trên CDN nên máy chủ gốc sẽ không tốn thêm. Chỉ khi nào bạn tiến hành xóa các bản lưu nội dung trên CDN thì các PoP CDN sẽ tiến hành lấy nội dung lần nữa thì mới tốn thêm.

3. Nâng cao tính bảo mật – CDN có thể giúp website của bạn cải thiện được tính bảo mật bằng cách cung cấp tính năng hạn chế DDoS, tường lửa và một số phương pháp tối ưu khác.

4. Tiết kiệm chi phí – Giá băng thông cho website cơ bản hiện nay khá đắt. Nếu bạn đang sử dụng gói hosting với mức băng thông được cung cấp hạn chế. Thì khi có quá nhiều người truy cập vào website của bạn, băng thông sẽ đạt đến mức giới hạn dẫn đến xảy ra lỗi 509. Và như đã nói ở trên, CDN sẽ giúp website của bạn tiết kiệm được băng thông đồng thời giảm chi phí phải trả để mua thêm băng thông.

Khi nào nên sử dụng CDN?

Có nhiều điểm bạn cần cân nhắc trước khi bắt đầu sử dụng CDN. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào như cầu của bạn.

Đây là những lý do bạn nên sử dụng CDN:

  • Máy chủ của bạn xa người dùng
  • Người sử dụng từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới
  • Lượt truy cập lớn

Làm thế nào để chọn nhà cung cấp CDN phù hợp với tôi?

Phần này sẽ dành cho bạn nếu bạn quyết định muốn sử dụng dịch vụ CDN.

Okay. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là làm thế nào để chọn được nhà cung cấp CDN phù hợp nhất với tôi?

Mặc dù có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ CDN tốt hiện nay, tuy nhiên không phải cái nào tốt cũng phù hợp với bạn. Có một số nhân tố bạn cần phải quan tâm trước khi chọn:

  • Địa lý: Có thể lý do chính bạn đầu tư vào CDN là muốn trải nghiệm của người dùng trên website của bạn tốt hơn bất kể khoảng cách có như thế nào. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng một nhà cung cấp CDN không có máy chủ đặt gần nơi người dùng của bạn ở đó thì điều này sẽ không hề giúp bạn được gì, mà ngoài ra còn khiến website của bạn chậm hơn. Vì vậy, đây chính là yếu tố bạn cần cân nhắc đầu tiên.
  • Giá: Ở phần trên mình đã nói rằng CDN giúp bạn tiết kiệm chi phí? Nhưng vì sao lại có giá ở đây? Tiết kiệm chi phí hay làm tôi tốn tiền?. Hmm. Một lần nữa mình phải nói đến nhu cầu sử dụng.  Hiện nay, cũng có khá nhiều nhà cung cấp CDN miễn phí và nếu bạn đang sở hữu một doanh nghiệp hoặc nhu cầu sử dụng, khách hàng của bạn cao thì nên cân nhắc đầu tư vào một gói PRO. Không thể phủ nhận “tiền nào của đấy”. Mình không nói CDN miễn phí không tốt, tuy nhiên bạn cần cân nhắc để phù hợp với túi tiền của mình.
  • Hỗ trợ: Vấn đề này không phải chỉ riêng CDN mà còn đối với mọi dịch vụ cung cấp online. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn bạn sẽ khó lòng thoát khỏi những vấn đề nảy sinh. Chính vì vậy, tìm hiểu nhà cung cấp CDN đó có dịch vụ hỗ trợ tốt hay không cũng là điều bạn cần quan tâm.

Ở trong bài viết này, mình sẽ không đi quá nhiều review  về những nhà cung cấp hosting tốt nhất. Bạn có thể tham khảo thêm tại đây.

Lời kết

Với bài viết này, mình nghĩ bạn sẽ thể hiểu được cơ bản CDN là gì và cách hoạt động của CDN rồi.

Và…Đó là tất cả. Hy vọng bạn sẽ chọn được nhà cung cấp CDN tốt nhất cho mình.

Ngoài ra, nếu có kỳ thắc mắc gì, vui lòng comment bên dưới.

Chúc bạn thành công!

Viết một bình luận